Thứ Ba, 29 tháng 5, 2012

CON LỪA.............

Câu chuyện con lừa
 

 



  Một ngày nọ, con lừa của một ông chủ trang trại sảy chân rơi xuống một cái giếng.
  Lừa kêu la tội nghiệp hàng giờ liền. Người chủ trang trại cố nghĩ xem nên làm gì. Cuối cùng ông quyết định: con lừa đã già, dù sao thì cái giếng cũng cần được lấp lại và không ích lợi gì trong việc cứu con lừa lên cả. Ông nhờ vài người hàng xóm sang giúp mình. Họ xúc đất và đổ vào giếng.
  Ngay từ đầu, lừa đã hiểu chuyện gì đang xảy ra và nó kêu la thảm thiết. Nhưng sau đó lừa trở nên im lặng. Sau một vài xẻng đất, ông chủ trang trại nhìn xuống giếng và vô cùng sửng sốt. Mỗi khi bị một xẻng đất đổ lên lưng, lừa lắc mình cho đất rơi xuống và bước chân lên trên. Cứ như vậy, đất đổ xuống, lừa lại bước lên cao hơn. Chỉ một lúc sau mọi người nhìn thấy chú lừa xuất hiện trên miệng giếng và lóc cóc chạy ra ngoài.

Cuộc sống sẽ đổ rất nhiều thứ khó chịu lên người bạn. Hãy xem mỗi vấn đề bạn gặp phải là một hòn đá để bạn bước lên cao hơn. Chúng ta có thể thoát khỏi cái giếng sâu nhất chỉ đơn giản bằng cách đừng bao giờ đầu hàng.

--> Read more..

Thứ Năm, 24 tháng 5, 2012

Nghệ thuật thưởng trà Việt






     
    Nghe các nghệ nhân nói về cách thưởng trà, chúng tôi mới thấy mình uống trà “ tục ” quá, chưa văn hoá như các cụ ngày xưa. Mỗi lần khách đến chơi nhà là chúng tôi dùng tay bốc trà từ trong hộp, đổ vào ấm. Nhiều lúc vội làm trà vung vãi ra chung quanh. Dội nước sôi, chờ một lúc là rót một lượt mời khách. Chén trà nhiều khi còn nước do người trước uống thừa, đổ vội, để rót nước mời người khác. Đổ bã trà chưa hết lại lấy tay móc ra. Nước pha trà lấy thẳng từ vòi nước cho nhanh.... Đó là những điều các cụ ngày xưa không bao giờ làm khi thưởng trà.
        Với giọng ấm trầm, nghệ nhân Hoàng Anh Sướng ( nhà ở 13 Ngô Tất Tố, con nghệ nhân Trường Xuân) dẫn chúng tôi trở về quá khứ, vào một quán trà xưa để thưởng thức vẻ thanh lịch, trang nhã, sự cầu kỳ trong ẩm thực người Hà Nội.

        Người Việt Nam không uống nhiều, uống đặc và cũng không thể uống liên tục suốt ngày. Vì trà là một triết lý về sự tế nhị, nhạy cảm, thanh tao, sự suy ngẫm và óc tỉnh táo. Trà là một sự giao hòa với thiên nhiên, sự ứng xử hợp lý với thời gian, sự tiếp cận đầy nhân tính với không gian, với môi trường và con người. Ở Việt Nam luôn tồn tại một nền văn hóa trà thanh lịch và tỏa hương, tồn tại hằng nghìn, hằng vạn năm nay.

    Ở Việt Nam, tục uống trà có từ rất lâu đời. Người Việt Nam biết đến trà sớm hơn nhiều so với các nước. Theo một tài liệu khảo cứu của Ủy ban khoa học xã hội thì người ta đã tìm thấy những dấu tích của lá và cây chè hóa thạch ở vùng đất tổ Hùng Vương (Phú Thọ). Xa hơn nữa, họ còn nghi ngờ cây chè đã có từ thời kỳ đồ đá sơn vi (văn hóa Hòa Bình).

         Cho đến nay, ở vùng Suối Giàng (Văn Chấn - Nghĩa Lộ - Yên Bái), trên độ cao 1.000 m so với mặt biển, có một rừng trà tự nhiên khoảng 40 nghìn cây chè, trong đó có cây chè cổ thụ lớn nhất, ba người ôm không xuể. Ðã có những kết luận khoa học trong và ngoài nước khẳng định rằng: Việt Nam là một trong những "chiếc nôi" cổ nhất của cây chè thế giới.

    Người Việt ta dường như mở mắt chào đời đã thấy trà, uống trà trọn đời và đến khi về cõi thiên cổ, vẫn được tẩm liệm với trà. Ở Huế, nhiều gia đình niệm người thân đã mất trong một quan tài lót hằng chục cân trà. Có điều, trong suốt lịch sử uống trà hằng nghìn năm, Việt Nam không có một truyền kỳ nào về trà. Điều này cũng dễ lý giải bởi tâm hồn người Việt bình dị, chân chất. Song điều đó không có nghĩa là chúng ta xuề xoà, thô vụng trong nghệ thuật chế biến, sao tẩm trà.  
         Thói quen uống trà của người Việt Nam ban đầu được du nhập từ Trung Quốc, trải qua thời gian đã trở thành một nét văn hóa đặc trưng của người Việt. Theo Vũ Bằng, trà Việt có những điểm khác biệt rất cơ bản với trà Trung Quốc (trà Tàu) ở cách chế biến, cách uống và hương vị. Trà có hai loại chính: Trà tươi là lá cây chè không qua chế biến, được đun trong nước sôi, dùng để giải khát, hạ nhiệt; trà khô đã qua sấy, tẩm.
       
        Cũng một đồi cây chè, nhưng cây chè hướng Đông (Đông pha) bao giờ cũng ngon hơn cây chè hướng Tây (Tây pha). Bởi cây chè hướng Đông đón nhận những tia nắng mặt trời buổi sớm nên phản ứng sinh trưởng khác với cây chè hướng Tây. Trong một vườn cây chè nhưng bốn mùa xuân, hạ, thu, đông là bốn mùa với bốn mùa hương vị. Ngon nhất là trà “Xuân 1″ hay còn gọi là trà “Tiền minh” (trước tiết Thanh minh).
         Khi cái giá rét của mùa đông vừa qua đi, những tia nắng ấm đầu tiên của mùa xuân vừa ló rạng thì những đọt non cũng bừng nhú trên những cành chè khẳng khiu.
          Thứ đọt non ấy nếu hái lúc sớm tinh mơ, khi cả đồi chè còn chìm trong sương rồi đem về “sao suốt” trên chảo gang thì hương thơm ngào ngạt như chõ xôi nếp cái, hậu vị ngọt bền vấn vít mãi trong cổ họng như ngậm đường phèn. Các cụ bảo: “Uống một tách trà, đi xa vạn dặm” là vậy. Loại trà ấy, thời xưa, chuyên dùng để tiến vua.

          Những thiếu nữ đồng trinh với đôi tay mềm mại dùng móng tay dài khẽ khàng bấm từng đọt non trên cùng của búp trà. Da thịt không được chạm vào bởi họ sợ dường như sức nóng của cơ thể, mùi của thịt da sẽ làm lệch lạc đi hương vị của trà. Khi búp trà được sao khô trên chảo gang dưới bàn tay chai dày của những nghệ nhân nức tiếng sẽ cong như lưỡi con chim sẻ nên còn gọi là trà “Tước thiệt” (lưỡi con chim sẻ). Sách “Dư địa chí” của Nguyễn Trãi thấy ghi danh trà hảo hạng này được sản xuất ở vùng Châu Sa Bôi, tức Quảng Trị ngày nay. Rất tiếc, nghệ thuật sao chế trà “Tước thiệt” nay đã bị thất truyền.

        Cây chè Tuyết Shan cổ thụ vùng mạn ngược Hà Giang mọc tự nhiên trên những dãy núi cao từ 800 - 1300 m so với mặt nước biển quanh năm sương phủ. Để chống chọi với khí hậu khắc nghiệt, những búp cây chè phải gồng sức vươn lên đón nhận từng giọt nắng mặt trời. Chính cuộc chống trả quyết liệt cho sự sinh tồn ấy đã tạo cho trà Tuyết Shan một hương vị đặc biệt, khiến những người sành trà luôn săn tìm, yêu thích.

        Các nghệ nhân trà Hà Nội trân trọng, nâng niu như một báu vật. Họ chọn lựa những búp chè non, những lá chè bánh tẻ. Cuống và lá chè già bị loại bỏ rồi rửa sạch, cho vào chõ đồ chín. Sau khi phơi khô, họ cho trà vào chum (vại), trên phủ một lớp lá chuối khô, ủ từ… 3- 4 năm cho trà phong hoá bớt chất chát, có độ xốp như giấy bản mà hương vị đặc trưng của trà vẫn lưu giữ.
     
        Nếu người dân vùng khác thích uống trà "mộc" (trà không ướp hương) thì nhiều gia đình Hà Nội xưa lại thích uống trà ướp sen, trà nhài, trà ngâu, trà cúc, trà sói... Ðặc biệt trà sen là một thứ trà quý chỉ dùng để tiếp khách tri âm hoặc làm quà biếu. Trà sen tựa thứ trà mạn Hà Giang, mỗi cân ướp từ 1000 - 1200 bông sen Tây Hồ và phải là thứ sen chưa bóc cánh với "độ" hương cao nhất. Trà sen loại đặc biệt giá lúc nào cũng ở mức 2 - 3 chỉ vàng một cân. 

        Khi ướp, người ta rải một lớp trà rồi một lớp gạo sen mỏng, rồi lại một lớp trà, một lớp gạo sen. Cứ thế cho đến khi hết trà. Sau cùng, phủ một lớp giấy bản. Thời gian ướp tuỳ thuộc vào độ ẩm của gạo sen nhiều hay ít, thường từ 18 - 24 giờ. Sau đó, đem sàng để loại bỏ những hạt gạo sen.

    Sàng loại xong, trà được đóng vào những chiếc túi làm bằng giấy chống ẩm để giữ lấy cả hương sen lẫn hương trà rồi sấy cho đến khi cánh trà khô, hương sen quyện thì bỏ ra. Lại ướp một lần sen thứ hai, thứ ba, thậm chí thứ tư, thứ năm tuỳ thuộc vào sở thích của người thưởng trà đậm hay nhạt. Càng ướp nhiều lần thì hương sen càng quyện vào cánh trà, trà càng thơm.

       Trà ướp hoa là hội tụ đỉnh cao của cái tinh tế, phong cách tao nhã, thanh lịch và sành điệu của người Tràng An. Trong đó, hoa sen là thứ hoa thông dụng nhất mà cũng quý nhất, ướp trà ngon nhất. Ðiều này được nhiều nhà trà học lý giải "bởi quan niệm về hoa sen trong đạo Phật của người Á Ðông. Hoa sen vốn dĩ là thứ hoa rất thanh cao mọc lên từ bùn lầy, điều đó tương tự như chữ Danh mà người quân tử rất coi trọng vậy". Hương hoa sen là những gì tinh tuý của trời đất tụ lại. Vì vậy, trà ướp sen là vật phẩm quý giá, xưa kia chỉ dành cho những hàng vương tôn công tử và những gia đình quyền quý.

          Còn theo Hải Thượng Lãn Ông Lê Hữu Trác (1720-1791) thì "Cây sen hoa mọc từ dưới bùn đen mà không ô nhiễm mùi bùn, được khí thơm trong của trời đất nên củ sen, hoa sen, tua, lá... đều là những vị thuốc hay".

         Trà cụ hay công cụ để pha trà cũng rất cầu kỳ. Tương truyền từ thời xưa, đã là dân nghiền trà phải có hai ấm đồng, bên trong có đủ năm kim hỏa thì nước mới mau sôi, hai ấm thay nhau giữ nước sôi trên lò đốt bằng than hoa hoặc than tàu. Ấm pha trà phải là ấm đất được làm từ thứ đất sét. Mua được thứ ấm ưng ý cũng là cả một nghệ thuật. Thả úp ấm vào chậu nước thấy nổi đều, cân nhau là được. Ấm mua về không thể dùng ngay bởi còn vương hơi đất và lửa, phải đun sôi qua nước tinh khiết nhiều lần.

         Thường một bộ đồ trà có bốn chén quân, một chén tống để chuyên trà. Nước pha trà phải là thứ nước mưa trong hoặc thứ sương đọng trên lá sen mà người đi thuyền hứng từng giọt vào buổi sớm. Phương ngôn còn lưu truyền những lời dạy về cách uống trà như "trà dư, tửu hậu", "rượu ngâm nga, trà liền tay", "Bán dạ tam bôi tửu. Bình minh nhất trản trà"...

        Để pha trà chúng ta dùng thìa gỗ múc trà cho vào ấm được gọi là Ngọc diệp hồi cung. Ðể có được chén trà ngon thì bình trà và tách uống trà phải được làm ấm lên bằng nước sôi. Ðiều này có dụng ý là giữ cho nước trong bình pha luôn luôn có độ nóng cao nhất. Trà khô bỏ vào bình loại đất nung nhỏ cao cỡ 1/3 bình. Trà cụ dùng để xúc trà, lấy bã trà đều bằng tre khô hoặc gỗ thơm.

             Khi châm nước lần một gọi là Cao sơn trường thuỷ, dùng vòi nước sôi mắt cua giội từ trên cao xuống nhằm tạo ra một lực làm tan bụi bẩn trong trà. Người ta châm một ít nước sôi vào bình trà rồi chắt ngay ra, đổ đi nước đầu này để loại hết bụi bẩn trong trà và trà khô trong bình kịp thấm không nổi lềnh bềnh nữa. Trà nước hai là lần đổ nước thứ hai vào ấm hạ sơn nhập thuỷ, đổ nước cao tràn miệng bình để khi đậy nắp lại, bọt bẩn trào ra hết, rồi dội nước sôi lên nắp, cũng nhằm giữ nhiệt độ cao nhất cho ấm trà. Nước hai chính là nước trà chuẩn nhất được tạo ra trong vòng 60-90 giây này thực sự tạo ra mùi vị thơm tho tuyệt diệu từ các cánh trà.

           Trà ngon, nước phải trong xanh, ngửi như có hương cốm non, dư vị đọng mãi trong cổ. Thứ được nước, tức là pha nhiều lần nước vẫn còn màu thì kém hơn.

         Sau khi trà ngấm, rót trà ra một chén tống rồi mới chiết trà từ chén tống sang sáu chén nhỏ xíu mà dân gian vẫn gọi là chén hạt mít. Chén tống và sáu chén nhỏ cũng được tráng nước sôi kỹ. Nếu có khách đến chơi nhà, theo đúng cách uống trà của các cụ thời xưa, bao giờ chủ nhà cũng rót cho khách một chén nước sôi đã nguội để tráng miệng cho sạch, rồi mới rót trà mời khách. Khách sành trà khi uống không ngồi trước quạt.

        Trà sen ngon thì nước đầu uống chưa thơm, mà phải là nước thứ hai, thứ ba mới thơm, vị chè ngọt mà lại mát, mùi thơm nhẹ mà bền chứ không thơm nức lên một lúc rồi hết ngay.

          Dù lòng vui hay buồn, dù trời mưa hay nắng, khách không thể từ chối một ly trà nóng khi chủ nhà trân trọng dâng mời bằng hai tay. Dâng trà đã là một ứng xử văn hoá phổ biến biểu hiện sự lễ độ, lòng mến khách.

         Uống trà cũng là một thứ ứng xử văn hoá. Người biết uống trà là uống từng ngụm nhỏ nhẹ để cảm nhận hết cái thơm ngọt của trà, cái hơi ấm thoát ra từ hai bàn tay nâng chén hoặc ủ nóng trong mùa đông giá lạnh. Uống để đáp lại lòng mến khách của người dâng trà, để bắt đầu một tâm sự, một nỗi niềm, để bàn chuyện gia đình, xã hội, nhân tình thế thái, để kéo cuộc sống đang quay cuồng, chao đảo ngoài đời trở về với trạng thái cân bằng, tĩnh lặng, để cảm nhận hương vị của đất, trời, của cỏ cây hoa lá.

           Dâng chén trà theo đúng cách là ngón giữa phải đỡ lấy đáy chén, ngón chỏ và cái đỡ miệng chén gọi là “Tam long giá ngọc”. Người dâng trà và người nhận trà đều phải cung kính cúi đầu. Trước khi uống, đưa chén trà sang tay trái, mắt nhìn theo, sau đó đưa sang phải “du sơn lâm thuỷ”. Khi uống, cầm chén trà quay lòng bàn tay vào trong, dâng chén trà lên sát mũi để thưởng thức hương trà trước, sau đó tay che miệng nhấp nhấp từng ngụm nhỏ nhẹ. Tay áo các quan lại phong kiến thường rất rộng cũng một phần vì lẽ dùng che miệng khi uống trà là vậy.

         Ngoài cách uống trà trong gia đình, người Hà Nội xưa còn có các hình thức Hội trà, uống trà thưởng hoa đầu năm, uống trà thưởng hoa quý và uống trà ngũ hương. Trong đó, hội trà là hình thức tụ họp cùng thưởng trà khi có trà ngon hay dịp đặc biệt của các cụ. Thưởng trà đầu xuân là thói quen của riêng các bậc tao nhân chốn kinh thành xưa. Thường thì trước Tết, đích thân các cụ đi chọn mua hoa đào, cúc, mai trắng, thuỷ tiên ở tận vườn, chuẩn bị loại trà ngon nhất. Sáng mùng một, con cháu dành riêng cho cụ những giây phút đầu tiên để tịnh tâm và ngắm hoa, thưởng trà, sau đó mới là cả đại gia đình cùng ngồi quanh bàn trà chúc thọ cụ và nghe lời dặn dò.

         Uống trà thưởng hoa quý như hoa quỳnh, hoa trà cũng là cái thú của nhiều người Tràng An. Đó cũng là hình thức hội trà quanh chậu hoa quý vào tối hoa mãn khai của những người cao tuổi, đàm đạo thế sự, văn chương và dặn dò lớp con cháu....

--> Read more..

Thứ Tư, 23 tháng 5, 2012

Đi tìm Ấm Trà BuBi!

    Tìm mãi chưa thấy, lại thấy Thú chơi... Ấm trà!
    Thú chơi ấm trà

    Ấm trà dù chỉ xếp ở hàng thứ 4 theo thứ tự dân chơi trà – nghiện trà đã quá quen thuộc: Nhất thuỷ, nhì trà, tam pha, tứ ấm, nhưng sự chơi thứ 4 này chẳng đơn giản, đòi hỏi lắm công phu.
    Câu thần chú: Thứ nhất Thế Đức gan gà, thứ nhì Lưu Bội, thứ ba Mạnh Thần để chỉ những dòng ấm trà xưa, nay khó áp dụng vì các loại ấm này rất hiếm và giá cả đội trời, dăm ba triệu một ấm còn nguyên vẹn cũng khó kiếm ra, vì là những dòng ấm được dân chơi cổ ngoạn khắp nơi săn đuổi. Trong thú nhẩm trà, ấm trà được chia làm hai loại, ấm đất nung và ấm tráng men (ấm sứ hoặc ấm đất tráng men).
    Ấm tráng men khá phổ biến thích hợp cho các loại trà mộc, trà ướp hương. Do đặc tính tráng men, khi pha trà, hương vị trà không hấp thụ vào ấm, vì vậy trong nhà chỉ một ấm tráng men là đủ.
    Ấm tr� Ám Long xưa, nắp bánh bèo
    Dòng tráng men có rất nhiều, từ những ấm xưa dáng trái bần, nắp bánh bèo đến bình tích vẽ Trúc Lâm Thất Hiền, Bát Tiên Quá Hải, Tam Đa... còn bày bán khá nhiều ở Lê Công Kiều. Ấm mới sản xuất từ các lò gốm Bình Dương, Bát Tràng, Hải Dương... bán đầy rẫy trên thị trường với mức giá tương đối, độ 100 nghìn trở lại là đủ dùng.
    Ấm trà độc ẩm men xanh trắng, tích Thái Công Điếu Vị(đời Thanh - TQ)
    Giới chơi trà chuộng ấm đất hơn ấm tráng men. Ấm đất xưa nay chỉ vùng Nghi Hưng, tỉnh Giang Tô – Trung Quốc sản xuất là chất lượng nhất. Vì vùng này có đất tử sa (còn gọi là cát tím), có đặc tính hấp thụ hương trà, cốt đất tốt, bền chắc, càng sử dụng lâu, ấm càng giá trị bởi hương trà đã quyện vào ấm.
    Nhiều câu chuyện thêu dệt từ ấm trà đất nung, có ấm trà chỉ cần đổ nước sôi rồi rót ra là thành trà. Tuy chỉ là những lời đồn thổi, cũng làm tăng thêm giá trị vốn có của các loại ấm đất.
    Ấm trà có nhiều kiểu dáng khác nhau, nên chọn được ấm hợp nhãn, sau mới đi tiếp vào chi tiết. Với phần ấm tráng men, do đặc tính của men khi nung chảy không khớp - khít phần nắp và ấm, khi chọn loại ấm này, chỉ cần tập trung vào miệng vòi thẳng, gờ ấm, quai ấm, cả ba chi tiết này thẳng hàng nhau là ổn, vì khi đó sức chứa ấm được tối đa, miệng vòi thẳng khiến việc rót trà dễ dàng, nước không bị đọng, nhểu.
    Ấm trà bài thơ,đất Nghi Hưng tử sa Ấm tròn đắp nổi Tùng - Mai, đất Nghi Hưng - TQ
    Riêng ấm đất, ngoài yếu tố trên, phần nắp và ấm phải khít, nếu dùng tay bịt lỗ thông hơi trên nắp ấm rót, nước bí lại trong ấm không chảy ra ngoài. Chọn ấm đất ngoài dáng vẻ, kích thước lớn nhỏ, dùng cho độc ẩm, đối ẩm, quần ẩm, người chơi phải biết chú tâm đến chất liệu, vì hiện các loại ấm đất từ Trung Quốc không còn tốt như xưa, phần vì đất Nghi Hưng tử sa trở nên hiếm. Để chọn được ấm trà tốt, đúng đất tử sa, soi ra ánh sáng sẽ thấy phần trong đáy ấm có những hạt li ti lấp lánh, cốt thai ấm rắn chắc, dùng nắp cà vào thành ấm nghe âm trong, lanh canh. Gặp những ấm dỏm, khi gõ vào nghe âm thanh đục, màu đất không có ánh lấp lánh, sử dụng tiếp xúc nhiều với nước nóng dễ bị nứt bể, hoặc thấm ẩm ra ngoài.
    Dáng đẹp của một ấm trà đất nung Các chi tiết: vòi - miệng - quai thẳng hàng
    Cũng có những loại ấm giả tinh vi, cốt thai bằng đất thường, sau đó quết một lớp mỏng tử sa Nghi Hưng lên trên, mắt thường không phát hiện được, nhưng nghe âm thanh khi gõ vào ấm sẽ phân biệt được ngay chất lượng ấm. Nhiều ấm còn được bôi một lớp dầu bóng, tạo vẻ cũ kỹ hoặc giả màu tử sa, những loại này khó tẩy mùi, sử dụng hương trà bị át đi, gây mất ngon.
    Ấm trà Lưu Bội danh tiếng ngày xưa Nét tròn hài hoà trong các chi tiết vòi, nắp và quai ấm
    Có ấm tốt chưa thể dùng ngay mà phải qua giai đoạn luyện ấm. Trước tiên phải dùng giấy nhám chà láng phần đất dư, mảng bám thừa trong ấm. Dân chơi trà uống mỗi loại trà một ấm đất khác nhau, vì vậy, ấm pha trà gì được luyện bằng chính loại trà đó.
    Cách luyện: bỏ chừng 100g trà vào nồi nước, thả ấm trà vào đun nước vừa sôi thì tắt bếp, đậy nắp cho đến khi nước nguội lại đun sôi lên tiếp, cứ thế luyện liên tục trong vài ngày (thường 3 ngày), sau đó mới lấy ấm ra dùng.
    Ấm khi này đã được thẩm thấu trà thơm phức, càng sử dụng lâu càng lên nước và dậy hương trà ngay cả khi không có trà trong ấm.
    Ấm trà Nhật in tích Tùng - Đình (theo cách gọi của dân chơi đồ cổ) Ấm đất Nghi Hưng
    Mỗi ấm trà làm bằng tay được xem như một tác phẩm nghệ thuật, gọi là ấm độc bản, giá khá mắc thường từ 1 - 3 triệu. Những nghệ nhân chuyên làm ấm trà thường chụp lại hình ảnh từng công đoạn làm chiếc ấm đến khi thành phẩm, bán kèm theo với ấm như một cách tiếp thị hình ảnh của nghệ nhân cũng như tác phẩm ấm trà của họ. Những dòng ấm đổ khuôn thì rẻ hơn, vì được sản xuất hàng loạt, giá thường 100 - 300 nghìn.v
    Theo Sài Gòn Tiếp Thị

--> Read more..

Thứ Ba, 22 tháng 5, 2012

Chè cám.....Tân Cương


      Chè là thứ chè xuân Thái Nguyên thượng hạng, hái về, bắc chảo sao ngay trên lửa nhỏ. Bận việc này việc nọ mà hái rồi bỏ đó không làm ngay, chè sẽ đỏ nước về sau, mà uống thì có mùi ngai ngái giống thứ chè bồm Phú Thọ.
     Nước của chè xuân Thái Nguyên xanh anh ánh, rất trong, ngỡ như nước chè tươi uống bằng tách nhỏ, thoáng nhìn tưởng pha không đậm, chè chưa ngấm, nước không đủ nóng, nhưng hãy thử một hớp con con.

    Bất chợt rùng mình vì cái nóng hôi hổi, cái vị chát khiêu khích, cái vị ngọt sâu thẳm làm khô vòm miệng, và trên hết là mùi hương hết sức dịu dàng. Nhấp một chén trà như thế, nhỏ thôi, vào lúc sáng sớm, và đừng nhấm nháp thêm bất cứ chút gì, sẽ thấy dường như tim đập nhanh lên một chút.

    Như cái lúc ngóng chờ một tiếng gõ cửa ngập ngừng của ai, như cái lúc mở một phong thư, nét chữ thì quen nhưng câu mở đầu lại bất ngờ dịu dàng khác lạ, hay lúc đạp xe lang thang, một mình, phố nhỏ, chiều gió, thấy góc đường đằng kia thoáng như có bóng áo người. Chao ơi! Những cảm giác của một thời hăm hở, xa xôi quá rồi, có thể trở về, quyến vờn cùng làn khói mong manh bôvs lên từ chén chè buổi sớm.

    Thứ nước chè uống khi ăn cốm cháy chính là thứ chè Thái Nguyên nhất hạng ấy, nhưng là thứ cuối chảo, không phải là búp chè khô tự co mình lại như những móc câu nho nhỏ, mà vụn như bột. Đấy là đoạn cuối đời của những búp chè non nhất, nên dễ cháy nhất, được giữ lại dùng trong nhà.

    Pha thì cũng như thường, nghĩa là chụm mấy ngón tay mà bốc ang áng, nhưng vì là chè cám, nên cái sự ang áng này càng xa chính xác. Thường là hơi bị nhiều. Nước chè cám vì thế thường cực đặc, không được trong, và thoảng khét. Không phải người quen uống chè, không thể kham nổi cái dung dịch này.

    Chát thế phải có thứ làm dịu lại. Chè tươi thì đã có kẹo lạc, kẹo vừng, rẻ hơn có thứ kẹo bột đậm mùi gừng thường chỉ bán ở nhà quê từng chục cái cho các bà đi chợ phiên mang về lót tay cho trẻ nhỏ trong nhà. Cái thứ kẹo cực ngon này chắc giờ tuyệt chủng rồi.
     Cà phê thì có sô cô la, hay miếng bánh ngọt nho nhỏ. Chè móc câu Thái Nguyên thì không đi được cùng những thức ấy. Kẹo lạc thì còn tạm cho qua, chứ sô cô la, không thể, vì kệch cỡm. Phải là một lát mứt gừng nhà làm, còn giữ đủ độ cay chứ không nhạt thèo như bán ngoài hàng.
    Tôi đã uống chè cám, những cuối trưa Hà Nội, ngoài kia mùa thu xao xác trở mình, nghe hơi thở mình đã bắt đầu khó nhọc vì hanh hao, bất chợt nhìn trang sách mà không thấy chữ... Bất chợt nghe tiếng gõ cửa ngập ngừng, tiếng chân xê dịch ngập ngừng... Lòng chùng lại sau bao nhiêu vật vã, một cảm giác biết ơn kỳ lạ tràn ngập trong lòng. Biết ơn tất cả, vì tất cả. Không biết vì sao.

    Chè cám, không phải là món ngon Hà Nội hay của bất kể miền đất nào. Chỉ là món ngon của riêng một người, là những sâu nặng của riêng một người. Nhưng... "Đời đáng yêu nhiều lúc có gì đâu..."

                     Ngày nay, thanh niên ở Hà Nội lại hợp Gu với Trà Chanh vỉa hè! Đó cũng là sản phẩm sáng tạo của các bà hàng nước....Bụi!

                              Lịch sự và Bình dân!


                         Nhưng lãi ....khủng!


--> Read more..

Thứ Hai, 21 tháng 5, 2012

Hành trình du học ngày ấy



    Ga Hàng Cỏ 
    Một buổi chiều cuối tháng 8/1969, đoàn chúng tôi gồm hơn 160 lưu học sinh tập trung tại sân vận động Đại học Bách khoa Hà Nội, lên ô tô ra ga Hàng Cỏ chờ tàu hỏa. Hành lý mang theo chỉ có chiếc vali bằng giấy nện, trong đó ngoài mấy bộ quần áo của Bộ Giáo dục cấp (thực ra là cho mượn vì đến khi về nước năm 1975 phải trả lại), còn mấy quyển sách Toán, Lí, Hoá… cùng mấy củ khoai lang sống và mấy quả chanh để phòng chống say sóng khi đi tầu biển.
    Đoàn tầu hỏa chở chúng tôi đi cũng rất đặc biệt, không có hành khách khác ngoài đoàn lưu học sinh, cũng không đèn thắp sáng ở mỗi toa vì đang chiến tranh.
    Qua cầu Long Biên tầu chạy với tốc độ cực chậm, xe đạp của dân Hà Nội đi bình thường cũng vượt chúng tôi. Năm đó nước sông Hồng lớn kinh khủng (tưởng chừng ai chân dài có thể ngồi trên mép cầu khoắng chân xuống dòng nước đỏ ngầu được cơ mà).
    Những người thân ra tiễn chúng tôi vừa đi xe đạp vừa nói chuyện với người trên tàu suốt quãng đường đi qua cầu. (Tôi dân tỉnh lẻ, dĩ nhiên không có ai theo tiễn). Dân Hà Nội cũng gửi theo chúng tôi những lời khá cay nghiệt: ” Lũ sợ chết, trốn lính, đảo ngũ, đi hưởng bình an…..”. Bọn con gái nhớ nhà khóc nỉ non…. Bọn con trai chúng tôi vừa buồn, vừa nhớ nhà và cũng ấm ức lắm, nhưng …. giải thích sao được. (Hồi năm 68 chúng tôi là Đoàn viên thanh niên cũng đã viết đơn tình nguyên nhập ngũ đi B, kí cả bằng máu tươi từ ngón tay tí xíu của bản thân, tất nhiên bao bạn đồng môn của tôi đã ngã xuống tại chiến dịch Mậu Thân, còn tôi … lũ sợ chết, trốn lính, đang ngồi đây).

    Xình xịch, xình xịch … rồi đoàn tầu cũng đưa chúng tôi tập kết tại một kho hàng gì đấy ở Hải Phòng, nằm vạ vật, nửa ngủ nửa thức đợi sáng hôm sau.
    Sau khi được phát nắm xôi và ca nước, chúng tôi lục tục ra bến tầu biển. Một cái tầu thuỷ to ơi là to! Nó mang tên Nhà lãnh tụ vĩ đại của Liên Xô cũ – Lê Nin!

    Hồi ấy nội bộ Trung Quốc có vấn đề, nên chúng tôi không đi bằng tầu hoả được, CCCP cho luôn một chuyến tầu thuỷ. Con tầu này là chiến lợi phẩm của LX sau đại chiến thứ hai (do Đức phải đền bù), to thứ nhì thế giới (thời điểm lúc bấy giờ) dùng để chở khách ở Biển phía Bắc. Những người phục vụ (tình nguyện) trên chuyến tầu đặc biệt này toàn là thanh niên CS của CCCP.
    Vì là tầu khách đi biển phía Bắc, nên trang bị khá là….ấm. Bọn tôi nhiều đứa bị mọc …. rôm đầy người, chỉ ngay sau một hôm ngủ nghỉ trên tầu (May tôi là dân tỉnh lẻ, đen đúa với nước da quen bắt cua bắt cá, rôm nó chê không chung sống).
    Sau gần 5 ngày lênh đênh trên biển, chúng tôi cập bến cảng Na-Khốt-Ca ở cực Đông của CCCP.

    Tại đây chúng tôi bị tách ra hai đoàn: một đoàn bao gồm những LHS bị ….Rôm (Các BS Nga không phát hiện ra bệnh gì, cho là bệnh truyền nhiễm….phải đi riêng một đoàn tầu với cờ Vàng…cách li. Đến Xibiri gặp lạnh cái bệnh Truyền nhiễm kia …bay hết!)
    Tôi đi đoàn ….Bình thường. Gần đến Xibiri nhận được thông báo Bác mất! Thế là suốt dọc đường đến Mạc Tư Khoa, không được cười đùa, đến các ga nghỉ, xuống dự các buổi chia buồn của dân Xô Viết. Đến Thủ đô CCCP bọn tôi được đi sắm đồ, mua bán lung tung một buổi (Có các anh sinh viên khoá trên tại MTK hướng dẫn).

    Tối lên tầu qua Rumani, sông Đanuýp, Ruse….

    Đến СОФИЯ, các anh chị khoá trước tại Bul đón tiếp, chỉ dẫn phòng ở, tắm giặt và chiêu đãi một bữa ăn….thịnh soạn rất Bul….

    Студентско общежитие в София
    Thế đấy, bọn tôi từ đấy lớn lên, trưởng thành và tốt nghiệp về nước, cũng hơn chục người đã đi xa… Còn lại chúng tôi, đến cuối năm nay về hưu gần hết, trừ một số người có chức danh, phải kéo dài năm….công tác…

    Photobucket
    Nhóm ВМЕИ-ВАРНА
--> Read more..